Sáng 15/8 tại Đường sách TP.HCM, nhân dịp một nhà xuất bản mua toàn bộ bản quyền 120 cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) để in lại, buổi tọa đàm Sống thế nào cho đúng? đã diễn ra. Tại đây đã có cuộc tranh luận căng thẳng giữa nhà thơ Lê Minh Quốc và TS Lê Thẩm Dương về cuốn Đắc nhân tâm, điều này chứng tỏ sự thú vị, đa chiều của tác giả này.

Khó vừa hết lòng người

Cuốn Đắc nhân tâm được Nguyễn Hiến Lê dịch từ một cuốn sách của Dale Carnegie. Đây có lẽ là 1 trong top 10 cuốn sách làm nên “học hiệu-thương hiệu” Nguyễn Hiến Lê. Người thì nói đọc sách Nguyễn Hiến Lê có thể áp dụng và thành công trong xử thế, người thì nói đọc sách phải có cái nhìn phản biện, không ai có thể làm vừa lòng tất cả mọi người…

Đại khái, cuộc tranh luận gay gắt, ngoài chủ ý của chương trình, làm cho tôi cực kỳ thích thú, có nghĩa là việc đọc, nhận thức và tiếp thu một tác phẩm càng đa chiều chừng nào càng chứng tỏ sự “hậu hiện đại” của nó. Chính điều này càng mở ra nhiều cơ hội cho việc in lại, đọc lại.

Và trong di sản Nguyễn Hiến Lê, chúng ta còn tìm thấy khá nhiều đầu sách “học làm người”, “học nghề” cần đọc lại như vậy! Những Quẳng gánh lo đi và vui sống, Bảy bước tới thành công, Trút nỗi sợ đi, Thăng tiến trên đường đời… nếu được tái bản thì vẫn còn giá trị ở mặt nào đó trong đời sống đương đại. Thí dụ như quan niệm “quá nhất nhật, đắc nhất nhật” (qua một ngày, được một ngày) là triết lý sống cho hôm nay, an trú trong những niềm vui hiện tại quả thật rất đúng đắn trong bối cảnh quá nhiều lo âu, trầm cảm, stress công việc như hiện nay.

 

Tri ân nhà nghiên cứu văn học

Nhưng gia tài của ông, không phải chỉ có vài chục đầu sách học làm người như thế! Ông còn có nhiều cuốn sách về gương danh nhân, những đúc kết tâm huyết về việc học hành, về giáo dục, lịch sử, triết học, văn hóa, văn học. Nhiều cuốn sách ông dịch tiểu thuyết, thơ, khảo cứu, phóng tác. Và cả những hồi ký chia sẻ đời thường như Đời viết văn của tôi

Trong đó, như lời ông từng tâm sự, ông hứng thú với văn hóa, văn học, lịch sử Trung Quốc nên dành khá nhiều thời gian và công sức, thậm chí tiền bạc cho nó. Có những cuốn ông tự bỏ tiền ra in cả 2.000 bản, bán chưa được 500 bản…

Tôi cảm thấy mình nợ ông và xem ông như người thầy lớn, mặc dù ông không dạy tôi ngày nào, vì trong quá trình soạn bài giảng dạy, tôi đọc khá nhiều sách ông dịch, ông viết về văn học Trung Quốc. Như các sách biên soạn Đại cương văn học sử Trung Quốc (3 cuốn), Văn học Trung Quốc hiện đại 1898-1960 (2 cuốn), Tô Đông Pha, Sử ký Tư Mã Thiên… Các sách mà ông dịch của Lâm Ngữ Đường như Sống đẹp, Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa…

Một trong những sách mà tôi chịu ảnh hưởng rõ nhất là Văn học Trung Quốc hiện đại 1898-1960, ông viết và in năm 1968. Nghĩa là ông viết cách mốc cuối của giai đoạn này chỉ 8 năm thôi, khá cập nhật. Những nhậ định của ông cho đến giờ vẫn rất xác đáng, chí lý. Ví dụ Nguyễn Hiến Lê cho rằng Trương Ái Linh là nhà văn Trung Hoa hiện đại miêu tả tâm lý hay nhất, điều mà sau này đạo diễn Lý An đã lẩy ra được khi chuyển thể truyện Sắc giới thành phim điện ảnh cùng tên. Những nhận định then chốt như vậy có khá nhiều trong sách, một thành tựu mà đời sau có thể kế thừa.

 

Một tấm gương làm việc bền bỉ

Điều làm cho hậu thế có thể học tập được ở ông, còn là tấm gương làm việc bền bỉ, siêng năng, cần mẫn. Với gia tài 120 cuốn sách các loại, đã cho thấy sức làm việc dồi dào và lòng say mê vô hạn của ông đối với việc nghiên cứu, viết lách, truyền bá.

Sứ mệnh cao cả của một trí thức chân chính là chuyển giao kiến thức, phổ biến kiến thức cho đời sau đã được ông hoàn thành vẻ vang. Những kiến thức này được ông truyền đạt một cách giản dị, dễ hiểu, gần gũi và tin cậy. Kể cả dịch, phóng tác hay sáng tác, Nguyễn Hiến Lê luôn trung thành với tiêu chí đó.

Chính vì vậy, 120 cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê là một di sản của văn học Việt Nam, rất cần tiếp tục phổ biến dưới hình hài hiện đại hơn, đẹp đẽ hơn để tiếp cận công chúng trẻ ngày nay. Còn câu hỏi liệu Nguyễn Hiến Lê có còn đủ “hot” không, cứ quan sát thử ở các nhà sách thì sẽ rõ.