Màu sắc không chỉ là một phần của thị giác mà còn ẩn chứa những tác động sâu sắc đến tâm trạng, tư duy và cảm xúc của chúng ta.
Qua bài viết dưới đây, Bizbooks sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về tâm lý học màu sắc là gì? và cách chúng tác động đến hành vi con người.

tâm lý học màu sắc là gì

TÂM LÝ HỌC MÀU SẮC LÀ GÌ

Tâm lý học màu sắc nghiên cứu đến ảnh hưởng của màu sắc đối với hành vi của con người và là một nhánh nhỏ trong ngành tâm lý học hành vi. Đây là một lĩnh vực phức tạp, mặc dù một số người có thể hoài nghi và đánh giá thấp lĩnh  vực này do lĩnh vực này khá khó để kiểm chứng lý thuyết.

Tuy nhiên đã có những chứng minh quan trọng về tác động của màu sắc mà chúng ta không thể phủ nhận. Trong một nghiên cứu về đánh giá của khách hàng, Satyendra Singh đã chỉ ra rằng chỉ mất 90 giây để khách hàng đưa ra ý kiến về một sản phẩm, và 62-90% quyết định tương tác đó phụ thuộc vào màu sắc của sản phẩm.

Tâm lý học màu sắc không chỉ là nền tảng tư duy quan trọng cho những người nghiên cứu mà còn quan trọng đối với lãnh đạo, quản lý văn phòng, kiến trúc sư, người làm vườn, đầu bếp, người thiết kế sản phẩm, thiết kế bao bì và chủ cửa hàng. Sự thành công của việc sử dụng màu sắc phụ thuộc vào cách chúng ta hiểu và áp dụng chúng.

Khi xem xét màu sắc được sử dụng bởi các thương hiệu lớn, chúng ta thấy rằng họ lựa chọn màu sắc của họ một cách có chủ ý. Mỗi công ty đều nghiên cứu và chọn màu sắc riêng để kích thích cảm xúc và tạo ra một hướng cảm xúc cụ thể.

MÀU SẮC ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÂM LÝ NGƯỜI XEM

Màu sắc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý của người xem và đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực tiếp thị. Trong năm giác quan của chúng ta, thị giác chiếm vị trí quan trọng nhất, chiếm 90% quyết định về việc thử nghiệm sản phẩm. Màu sắc bên ngoài của sản phẩm có khả năng tạo ra ấn tượng và ảnh hưởng đến quyết định mua sắm.

Mối liên kết giữa màu sắc, thái độ và cảm xúc của khách hàng là rất mạnh mẽ. Khi mắt nhìn thấy một màu sắc, nó tương tác với vùng não dưới đồi, kích thích chuỗi tín hiệu đến tuyến yên, hệ thống nội tiết và sau cùng là tuyến giáp. Các hormone được tiết ra từ tuyến giáp sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc và hành vi của người xem. Điều này làm cho màu sắc trở thành một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra trải nghiệm người dùng và ảnh hưởng đến quyết định mua hàng.

SỬ DỤNG MÀU ĐÚNG CÁCH

Việc sử dụng màu sắc thế nào cho hiệu quả là là một câu hỏi hóc búa, đòi hỏi bạn phải áp dụng chúng đúng cách, đúng thời điểm, với đúng đối tượng và mục đích.

Chẳng hạn, nếu bạn kinh doanh các sản phẩm dành cho trẻ em và sơ sinh, việc chọn màu sắc không thể chỉ là ngẫu nhiên. Ví dụ, khi bạn kinh doanh sản phẩm cho trẻ nhỏ, màu đen sẽ không phải là sự lựa chọn phù hợp. Thay vào đó, những màu sắc tươi sáng như hồng, cam, xanh nước biển có thể tạo ra ấn tượng tích cực. Dưới đây là một số nguyên tắc cốt lõi để thành công trong việc sử dụng tâm lý học màu sắc:

  • Đúng cách
  • Đúng thời điểm
  • Đúng đối tượng
  • Đúng mục đích

Một số gợi ý về sử dụng màu sắc cho đối tượng nam và nữ được thể hiện trong một cuộc khảo sát về màu sắc và giới tính. Phụ nữ thường ưa chuộng màu xanh (35%), tiếp theo là màu tím (23%) và màu xanh lá cây (14%). Trong khi đó, màu cam thường ít được ưa chuộng (33%), cùng với màu nâu (33%) và màu xám (17%). Các nghiên cứu khác cũng chứng minh phụ nữ không mấy thích thú với tông màu đất. Khi tiếp cận thị trường phụ nữ trong lĩnh vực thương mại điện tử, sự ưu thích về màu sắc của họ thường được thể hiện rất rõ.

Trong khi đó, nếu bạn đang tiếp thị sản phẩm cho nam giới, nên tránh màu sắc như tím, cam và nâu. Thay vào đó, chọn những màu như xanh, xanh lá cây và đen, những màu sắc truyền thống liên quan đến sự nam tính, mặc dù vậy màu nâu lại là màu mà phái này không mấy mặn mà.

Tác động tới tâm lý học qua từng màu sắc

Tâm lý học màu sắc: Màu Đỏ

Màu đỏ, với bước sóng dài nhất trên quang phổ, thường được liên kết với những tính từ rực rỡ và mãnh liệt. Đây là một màu sắc mang đến cảm giác ấm áp, nổi tiếng và thường được ứng dụng trong các thương hiệu thức ăn nhanh như Coca-Cola, KFC, và McDonald’s. Màu đỏ còn là biểu tượng của năng lượng mạnh mẽ, được thấy trong những thương hiệu thể thao như Ferrari F1 và Manchester United.

Ngoài ra, màu đỏ còn gắn liền với hình ảnh của máu, tạo ra một tình thần căng thẳng và mạnh mẽ, thậm chí được sử dụng làm màu chủ đạo cho các biển báo cấm do sự chú ý mà nó tạo ra.

Với sự chú ý và tính căng thẳng của mình, màu đỏ thường được sử dụng trong giao diện người dùng (UI) như một cảnh báo hoặc thông báo lỗi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần tiết chế khi sử dụng màu đỏ cho các phần khác của UI, như nút nhấn hay chữ, để tránh nhầm lẫn và giữ được sự rõ ràng.

Tâm lý học màu sắc: Màu Cam

Màu cam tràn ngập năng lượng, nhưng khác biệt với sự mãnh liệt và gay gắt của màu đỏ, năng lượng của màu cam mang lại cảm giác thân thiện và tích cực, thường được coi là biểu tượng cho tinh thần trẻ trung và nhiệt huyết. Thương hiệu dành cho đối tượng trẻ như Fanta, Soundcloud, JBL thường chọn màu cam để đại diện cho tinh thần năng động của họ. Ngoài ra, màu cam còn mang đến sự năng động, là lựa chọn lý tưởng cho các ngành hàng linh hoạt như vận chuyển và thương mại điện tử, ví dụ như Shopee, Giao Hàng Nhanh, Alibaba.

Là màu của nhiều loại trái cây như cam, dứa, cà rốt, ớt chuông, màu cam tạo ra một cảm giác tươi mới và đại diện cho sức khỏe. Do đó, nó thường được sử dụng trong nhận diện thương hiệu của sản phẩm thực phẩm chức năng và các thương hiệu liên quan đến tập luyện, phòng gym.

Vì những đặc tính này, màu cam được coi là lựa chọn phù hợp cho các trang web đặt hàng online. Màu sắc này thu hút ánh nhìn mà không tạo ra cảm giác quá mạnh mẽ hoặc áp đặt, tạo nên một sự hấp dẫn thoải mái và thuận lợi cho người xem.

Tâm lý học màu sắc: Màu Vàng

Giống như màu cam, màu vàng cũng thường được liên kết với thực phẩm từ thiên nhiên và là biểu tượng của sức khỏe. Màu vàng, là màu của tia nắng, mang lại năng lượng tích cực, tươi mới nhưng với hướng nhẹ nhàng và dễ chịu, không hừng hực nhiệt huyết như màu cam. Màu vàng có sự dễ thương nhưng không theo hướng nữ tính, mà ngược lại, nó mang đến một sự dễ thương, thân thiện và tươi vui, thường thấy trong bao bì của đồ ăn, đặc biệt là snack và kẹo.

Là màu của nụ cười và ánh sáng mặt trời, màu vàng tạo ra cảm giác vui tươi, rực rỡ và lạc quan. Sử dụng màu vàng trên trang web của bạn có thể thúc đẩy sự lạc quan và tươi mới. Một màu vàng đậm cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho màu nền, giúp nhanh chóng tăng cường cảm xúc của người xem.

Màu vàng là màu tiêu chuẩn cho giấy note và các lưu ý vì nó liên quan đến sự năng động và hành động. Do đó, sử dụng màu vàng để làm nổi bật các ưu đãi và sản phẩm miễn phí trên trang web của bạn là một cách hiệu quả để thu hút sự chú ý.

Tâm lý học màu sắc: Màu Xanh Lá

Màu xanh lá, như màu của cây cỏ, mang đến cảm giác về thiên nhiên và an toàn, là biểu tượng của nhiều thương hiệu liên quan đến sức khỏe và sản phẩm từ thành phần thiên nhiên. Tương tự như mầm cây, màu xanh lá còn đại diện cho sự non trẻ và hy vọng. Bởi vì nó mang trong mình nguồn năng lượng tươi mới, thân thiện, màu xanh lá thường được lựa chọn cho các công ty lớn với đại chúng đa dạng, như Spotify và Starbucks.

Trong các dự án liên quan đến sức khỏe và thể hình, việc sử dụng màu xanh lá nhẹ nhàng với tông màu tự nhiên là một lựa chọn tuyệt vời để truyền đạt thông điệp của dự án.

Màu xanh cũng được liên kết với ý nghĩa của việc đi trong biển báo đường, vì vậy, nó là một màu sắc thích hợp để sử dụng cho nút ấn, thông báo tích cực và tin nhắn thành công. Ví dụ, khi người dùng nhập thông tin chính xác, bạn có thể sử dụng màu xanh lá trong biểu tượng để thể hiện sự hoàn thành.

Tâm lý học về màu sắc: Màu Xanh Dương

Màu xanh dương, biểu tượng cho biển cả và bầu trời, mang lại cảm giác bình yên và thư giãn, thường được các nền tảng mạng xã hội sử dụng, như Facebook, Twitter, Skype. Xanh dương đồng thời gợi lên sự an toàn, với tông màu nhẹ mang đến cảm giác an toàn theo hướng bình yên, trong khi tông màu đậm hơn mang lại sự an toàn điềm tĩnh. Do đặc tính này, xanh dương thường được áp dụng trong tổ chức cộng đồng như WHO, Human Rights Committee, cũng như là màu đại diện cho nhiều trường đại học và các công ty an ninh.

Các công ty liên quan đến sức khỏe và vệ sinh thường sử dụng màu xanh để tăng cường sự tươi mới và sạch sẽ. Ngoài ra, màu xanh dương là biểu tượng của sự tin tưởng và an ninh. Điều này giải thích tại sao nhiều trường đại học sử dụng màu xanh trên các bằng chứng nhận và tại sao đa số cảnh sát mặc đồng phục màu xanh, để tạo ra ấn tượng của sự đáng tin cậy và an toàn.

Tâm lý học về màu sắc: Màu Tím

Tím, được tạo ra từ sự pha trộn của màu đỏ, mang đến sự dễ thương và nữ tính, nhưng khác biệt với hồng, sự nữ tính của màu tím mang đến vẻ đằm thắm hơn mà không làm cho nó trở nên quá non nớt. Mặc dù là một màu sang trọng và đằm thắm, tím lại là một màu khá kén chọn, ít được sử dụng rộng rãi. Sự hiếm thấy này lại là một lợi thế cho các thương hiệu cá tính, mong muốn nổi bật và tạo ra sự nhận diện. Thay vì chọn những màu an toàn và phổ biến như đỏ, xanh, nơi mà đã có nhiều thương hiệu sử dụng, việc khám phá mảnh đất mới với màu tím là một quyết định độc đáo và thoải mái hơn. Ví dụ điển hình có thể kể đến TP Bank hoặc Yahoo! - ông hoàng internet một thời.

Các công ty nổi tiếng như Hallmark và Yahoo đã chọn màu tím làm màu chủ đạo cho thương hiệu của họ. Khi truy cập vào trang web của họ, màu tím thường xuất hiện nổi bật. Hallmark sử dụng sắc tím trong logo và từ "navigation" ở đỉnh trang, trong khi Yahoo! chọn nó cho các biểu tượng, như biểu tượng Mail.

Tâm lý học về màu sắc: Màu Hồng

Màu hồng là kết quả của việc giảm độ bão hòa của màu đỏ, và mặc dù có nguồn gốc từ màu đỏ, cảm giác màu hồng mang lại là hoàn toàn khác biệt. Nếu màu đỏ gợi lên cảm giác mạnh mẽ, thì màu hồng lại tạo ra cảm giác mơ mộng và dễ thương. Chính vì sự dễ thương này, màu hồng thường được coi là màu sắc chính dành cho bé gái, xuất hiện rất nhiều trong đồ chơi, quần áo, và phụ kiện cho trẻ em.

Đối với đối tượng người lớn, màu hồng có ít sự phổ biến hơn, nhưng vẫn giữ được hình ảnh được định hình cho nữ giới. Do đó, màu hồng vẫn là sự lựa chọn an toàn đối với các thương hiệu cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho phụ nữ. Một số ví dụ nổi bật bao gồm hãng mỹ phẩm Benefit và hãng đồ lót Victoria's Secret.

Nếu nội dung của bạn hướng về tính vui vẻ, màu hồng có thể là lựa chọn xuất sắc cho các nút ấn, đặc biệt khi đặt trên nền tối, tạo ra sự tương phản. Một gam màu hồng rực rỡ có thể tạo nên cảm giác tươi mới và thu hút mọi sự chú ý, trong khi màu hồng nhạt có thể mang lại cảm giác thoải mái và dễ chịu cho người nhìn.

Tâm lý học về màu sắc: Màu Trắng

Màu trắng, vốn không phải là màu sắc do thiếu hòa sắc, tạo nên cảm giác điềm tĩnh và khiêm tốn, thường được sử dụng nhiều trong phong cách thiết kế tối giản. Đồng thời, màu trắng còn biểu tượng cho sự sang trọng và nghiêm túc, thường xuất hiện trong các không gian đặc biệt như bảo tàng, phòng triển lãm, hay bệnh viện.

Mặc dù màu trắng không tạo ra hiệu ứng thị giác mạnh mẽ như các màu sắc khác, nhưng sự hiểu biết và linh hoạt trong việc sử dụng nó là vô cùng quan trọng trong thiết kế. Sự tiết chế của màu trắng là một công cụ quan trọng giúp thiết kế cân bằng thị giác khi sử dụng các màu sắc rực rỡ. Trong một bố cục thiết kế, màu trắng thường được sử dụng làm khoảng trắng (white space), tạo nên không gian nghỉ cho mắt và tối ưu hóa khả năng thể hiện của các màu sắc và yếu tố khác.

Tâm lý học về màu sắc: Màu Đen

Tương tự như màu trắng, màu đen không có hòa sắc và thường được coi là biểu tượng của sự sang trọng và nghiêm túc. Màu đen thường được sử dụng như một khoảng trắng, tạo cảm giác nghỉ mắt, nhưng khác biệt ở chỗ màu đen mang đến không gian trầm lắng và bí ẩn. Nếu màu trắng tạo cảm giác sạch sẽ và tinh tế, thì màu đen tạo nên một không gian huyền bí và lịch lãm. Sự kiêu kỳ và thượng lưu của màu đen khiến nó được ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm cao cấp như xe hơi, sản phẩm công nghệ và thời trang.

Những thương hiệu như Sony, Beats và Samsung thường sử dụng màu đen trong các sản phẩm của họ vì đen là một màu cổ điển, không bao giờ lỗi thời và luôn giữ vững phong cách qua thời gian. Chính vì lý do này, các công ty công nghệ thường sử dụng màu đen trong các thiết kế sản phẩm để tránh sự lỗi thời so với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như hiện nay.

Dưới góc độ khoa học, đen không phải là màu sắc, mà nó là “sự vô diện của ánh sáng” – vì vậy đôi khi màu sắc này còn bị liên tưởng đến sự chết chóc. Hiểu được điều này, người thiết kế cần tránh sử dụng màu đen để nhằm nổi bật các đối tượng cơ bản và các yếu tố ưu đãi. Quảng cáo thường cần một màu sắc tươi sáng để nhấn mạnh. Vì vậy, màu đen là một sự lựa chọn tuyệt vời nếu được sử dụng trong nhiếp ảnh hoặc làm màu nền cho các phần khác nhau của một sản phẩm.

Lời kết

Như vậy, qua bài viết Bizbooks đã tổng hợp thế nào là tâm lý học màu sắc, và tác động của một số màu cơ bản đến tâm lý con người, hy vọng những thông tin đó mang lại giá trị đến bạn đọc. Đừng quên theo dõi Bizbooks để thường xuyên cập nhật thêm nhiều kiến thức về sách và đời sống nhé.

Tham khảo tủ sách Tâm lý học tại đây:

sách tâm lý học Bizbooks